Chỉ số pH là gì?
pH hay chỉ số pH (còn gọi là độ pH) là một chỉ số có thang đo từ 1 đến 14. Phản ánh tính chất kiềm hay acid của một môi trường nào đó, trong bài viết này chúng ta sẽ đề cập đến độ pH của đất.
pH = 7 : Đất trung tính, không kiềm không acid, phù hợp với nhiều loại cây trồng
pH > 7 : Đất kiềm, cần cải tạo bằng cách bón các chất gây acid hóa như lưu huỳnh, sắt sunphat,…
pH < 7 : Đất chua, phương pháp cải tạo chủ yếu là bón vôi bột để điều chỉnh
Trên thực tế các loại đất chủ yếu có độ pH từ 5.0 đến 8.0, tùy theo loại cây trồng mà ta phải điều chỉnh cho phù hợp. Các loại đất có độ pH nằm ngoài khoảng này thường không phù hợp để trồng trọt.
Cách lấy mẫu thử pH đất
Để có kết quả chính xác cho cả khu đất, ta nên lấy mẫu đất ở 5 vị trí trên khu đất (lấy ở 4 góc và ở trung tâm) nếu diện tích đất lớn, có thể tăng số lượng mẫu đất để có kết quả chính xác hơn. Ở mỗi vị trí lấy đất bà con đào hố 50 x 50 x 50 cm, sau đó dùng xẻng hoặc dụng cụ tương tự, xấn đất từ trên mặt đất xuống đáy hố với khoảng cách 40cm. Mỗi vị trí lấy 0.5 kg đất
Sau đó trộn đều các mẫu đất với nhau, phơi khô, tán nhỏ, loại bỏ rác, tạp chất và rễ cây. Cân lấy 100g rồi cho vào chai nhựa chứa 0.5 lit nước sạch (nước cất càng tốt) khuấy đều, để lắng 30 phút, rồi chắt lấy phần nước để đo pH
Những cách đo pH của đất
Để đo pH của đất, có nhiều phương pháp: đo bằng máy, đo bằng giấy pH, đo bằng hóa chất.
Đo pH đất bằng máy do pH:
Máy đo cho kết quả chính xác hơn, có thể sử dụng nhiều lần, tuy nhiên chi phí đầu tư máy cao, việc bảo dưỡng khó khăn. Máy này bà con có thể liên hệ với các đại lý thuốc bảo vệ thực vật để tự trang bị, khi mua máy sẽ có hướng dẫn sử dụng đi kèm. Cách đo thường là nhúng kim đo vào mẫu thử, trên máy sẽ có đồng hồ hiển thị chỉ số pH của mẫu thử.
Đo pH đất bằng hóa chất:
Đo bằng hóa chất thường ít được sử dụng, do phải điều chế hóa chất và phải đảm bảo độ tinh khiết của hóa chất đó mới có kết quả chính xác, thường chỉ áp dụng trong các phòng thí nghiệm, hoặc người có chuyên môn về hóa chất. Các chất thường dùng như sau:
Methyl Red: Biến thành màu đỏ khi pH từ 4 trở xuống, biến thành màu vàng khi pH từ 7 trở lên. Giữa khoảng pH 4 và pH 7, dung dịch đổi màu từ đỏ, đỏ cam, cam, và vàng.
Bromthymol Blue: Chuyển thành màu vàng ở pH 6 trở xuống và màu xanh dương ở pH từ 8 trở lên, giữa pH 6 – pH 8 dung dịch sẽ chuyển từ màu vàng sang vàng xanh, xanh lá cây, sang xanh dương.
Phenolphthalein: Khi ở pH < 8 sẽ không có màu và sẽ đổi màu đỏ ở pH trên 10. Do đó, khi sử dụng dung dịch đổi màu để đo pH, chúng ta chỉ có thể đo được pH trong khoảng cố định nào đó thôi chứ không thể nào xác định cụ thể là nước có pH chính xác là bao nhiêu. Ví dư như trong trường hợp sử dụng Bromthymol Blue, ta chỉ biết được pH của nước hoặc thấp hơn 6 (khi nước có màu vàng), từ 6-8 (khi nước có màu chuyển tiếp), hoặc cao hơn 8 (khi nước có màu xanh dương).
Đo pH đất bằng giấy đo pH (giấy quỳ tím):
Đây là phương pháp thường được nhiều bà con sử dụng, do chi phí rẻ, kết quả cho độ chính xác cao, dễ thực hiện. Để đo bằng phương pháp này, bà con chỉ cần ra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mua một hộp giấy đo pH, sau đó nhúng giấy vào dung dịch mẫu thử, giấy thử sẽ đổi màu, bà con chỉ cần so sánh màu với bảng màu in trên nắp hộp, có 14 thang màu tương ứng với 14 thang đo pH
Hy vọng với bài viết này bà con có thêm cái nhìn chính xác về pH của đất, cũng như lựa chọn được cho mình phương pháp để tự đo pH, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp với đất canh tác. Ở các bài viết sau chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bà con một số biện pháp điều chỉnh pH đất và bảng chỉ số pH phù hợp với một số giống cây trồng phổ biến như: Tiêu, bơ, cà phê… Cảm ơn bà con đã theo dõi.